Bạn đang cuộn mình trong chiếc chăn bông ấm áp, giữa không gian tối và yên tĩnh quen thuộc của phòng ngủ, và tự hỏi vì sao mình lại không ngủ được dù đang nằm trên chiếc nệm mới xịn xò?

Khoan hãy nghi ngờ cho tấm nệm của bạn, bởi đây cũng là tình trạng rất nhiều người gặp phải trong những đêm đầu nằm nệm mới. Cùng Tonybed tìm hiểu nguyên nhân vì sao và cách khắc phục trong bài viết này nhé!

Khó ngủ trên nệm mới – lý giải theo hiện tượng khoa học

Hiện tượng FNE
Hiện tượng FNE

Việc trằn trọc khi đổi sang nệm mới có thể là do bạn mua nệm không phù hợp với mình. Hoặc đây đơn giản chỉ là kết quả của hiệu ứng đêm đầu tiên (tên tiếng Anh: First-night effect, viết tắt là FNE), một hiện tượng khoa học khiến một phần não của bạn vẫn hoạt động và khiến bạn rất tỉnh táo trong đêm đầu ngủ ở nơi xa lạ, hoặc trên chiếc nệm mới.

Bạn có thấy quen thuộc khi đọc đến đây không? Đúng vậy, rất nhiều người cũng trải qua hiện tượng FNE khi họ ngủ ở khách sạn, nhà người khác hoặc có sự thay đổi trong phòng ngủ.

Bên cạnh đó, không chỉ làm bạn khó đi vào giấc ngủ, hiện tượng FNE còn dẫn đến việc bạn bị tỉnh giấc trong đêm và thức dậy vào buổi sáng với cảm giác uể oải và bồn chồn. Thậm chí kể cả khi bạn đã mua một tấm nệm cao cấp và đắt đỏ, vô cùng phù hợp với nhu cầu và sở thích của mình, thì hiện tượng FNE vẫn có thể xảy ra.

Do đó, đừng vội trách chiếc nệm mới mà hãy kiên nhẫn qua những đêm sau. Bởi thông thường, hiện tượng FNE sẽ biến mất sau đêm đầu tiên – đúng như tên gọi của nó.

Vì sao hiện tượng FNE khiến bạn khó ngủ trên nệm mới?

Lý do hiện tượng FNE khiến bạn khó ngủ trên nệm mới
Lý do hiện tượng FNE khiến bạn khó ngủ trên nệm mới

Bộ não của chúng ta được chia thành hai bán cầu: bên phải và bên trái. Trong đó:

Não phải: có liên quan đến khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng. Cách chúng ta cảm nhận âm nhạc, thưởng thức tranh ảnh đến hình thành những suy nghĩ trừu tượng và thấu hiểu cảm xúc – đều chịu sự chi phối của não phải.

Não trái: bán cầu não trái thiêng về tư duy logic và lý luận, giúp chúng ta hình thành khả năng tính toán và lập trình, phân tích khoa học.

Nói như vậy không có nghĩa là con người chỉ sử dụng một trong hai bán cầu não. Dù chúng ta thường nghe các thuật ngữ như “người thuận não trái” hoặc “người thuận não phải”, nhưng thực tế, tất cả chúng ta đều sử dụng cả hai bán cầu não cùng một lúc.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người trải qua hiện tượng FNE có bán cầu não trái hoạt động tích cực hơn, còn bán cầu não phải lại đang trong trạng thái “ngủ”.

Điều này được giải thích rằng các chức năng logic của não trái đưa ra dấu hiệu cảnh báo khi chúng ta đang ở trong môi trường xa lạ, điển hình như ngủ trên một chiếc nệm mới toanh, khiến chúng ta tỉnh táo hơn dù rằng cơ thể đã tiến vào trạng thái nghỉ ngơi.

Nguyên nhân hình thành hiệu ứng FNE

Nguyên nhân hình thành hiệu ứng FNE
Nguyên nhân hình thành hiệu ứng FNE

Hẳn chúng ta đều từng trải qua những đêm mất ngủ với cảm giác vô cùng tỉnh táo. Theo đó, các dây thần kinh của bạn như thể đang “căng ra hết mức” để cảm nhận bất kỳ động tĩnh nào từ xung quanh, dù cơ thể bạn đã mệt mỏi vô cùng sau một ngày dài.

Hiện tượng này được lý giải là có liên quan đến bản năng sinh tồn giúp chúng ta luôn giữ được cảnh giác cao độ, từ đó bảo vệ loài người khỏi những mối hiểm họa trong suốt hàng triệu năm tiến hóa.

Bản năng lâu đời nhất này vẫn hoạt động và “trỗi dậy” trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi mà não bộ cảm thấy bạn cần phải duy trì sự tỉnh táo và cảnh giác, ngay cả khi bạn đang nằm trên chiếc nệm mới vô cùng êm ái và thoải mái.

Nghiên cứu khoa học về hiện tượng đêm đầu tiên

Nghiên cứu gần đây của Masako Tamaki, nhà khoa học về giấc ngủ tại Đại học Brown ở Providence, Rhode Island được công bố trên tạp chí Current Biology đã tìm hiểu về hoạt động não bộ khi lần đầu tiên chúng ta ngủ ở một nơi xa lạ hoặc trên chiếc nệm mới.

Nhóm nghiên cứu của Tamaki đã sử dụng một phương pháp phức tạp để chụp ảnh não. Họ sử dụng kỹ thuật chụp từ não đồ (MEG), kết hợp cả chụp cộng hưởng từ cấu trúc và chụp đa ký giấc ngủ, để theo dõi chi tiết về giấc ngủ của 35 người trong phòng thí nghiệm.

Trong đêm đầu tiên, kết quả quét cho thấy bán cầu não phải của những người tham gia thí nghiệm vẫn ngủ, nhưng bán cầu não trái của họ lại hoạt động tích cực hơn.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra phản ứng của những người tham gia đối với âm thanh trong khi ngủ. Khi nhóm nghiên cứu thêm vào những âm thanh bất thường và không thường xuyên, ví dụ như tần số cao, bán cầu não trái bắt đầu hoạt động và khiến nhiều người giật mình thức dậy.

Phát hiện này cho thấy hệ thống canh gác ban đêm của não đã đưa ra cảnh báo với những âm thanh lạ với mục đích giám sát và đề cao cảnh giác, nhằm phòng tránh những mối đe dọa và hiểm họa khó lường. Tuy nhiên, hiệu ứng này thường sẽ biến mất từ đêm thứ hai trở đi.

Hiện tượng đêm đầu tiên ở người có nhiều điểm tương đồng với cách thức ngủ đơn nhất của loài cá heo. Theo đó, một phần não cá heo vẫn vô cùng tỉnh táo trong khi ngủ để chúng vừa nghỉ ngơi mà vẫn kịp thời phát hiện khi có cá mập tấn công.

Ảnh hưởng của hiện tượng FNE

FNE có thể tạo ra một số ảnh hưởng rõ ràng khi bạn có giấc ngủ trong đêm đầu tiên trên chiếc nệm xa lạ:

Nhạy cảm với âm thanh

Nhạy cảm với âm thanh
Nhạy cảm với âm thanh

Như đã giải thích ở trên, hiện tượng FNE có liên quan đến bản năng sinh tồn, do đó, một tiếng động nhỏ nhất cũng có thể đánh thức bạn, để xác nhận rằng không có mối đe dọa nào đang ở gần bên.

Nhạy cảm với ánh sáng

Nhạy cảm với ánh sáng
Nhạy cảm với ánh sáng

Dưới ảnh hưởng của FNE, một phần của não bộ trở nên cực kỳ nhạy bén với bất kỳ sự thay đổi nào trong môi trường xung quanh, ví dụ như ánh sáng. Ánh đèn hắt vào từ bên ngoài cửa sổ, hay chiếc điện thoại sáng lên khi người bên cạnh đang xem phim cũng đã đủ để bạn tỉnh giấc.

Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy mình tỉnh giấc vào ban đêm mà không có nguyên nhân rõ ràng. Đây chỉ đơn giản là một phản ứng không chủ ý của não với hoàn cảnh mới lạ.

Dẫn đến tình trạng thiếu ngủ

Tình trạng bị thiếu ngủ do hiện tượng FNE
Tình trạng bị thiếu ngủ do hiện tượng FNE

Bộ não của chúng ta cần giấc ngủ đầy đủ để hồi phục năng lượng. FNE có thể làm giảm đáng kể thời gian và chất lượng giấc ngủ sâu của bạn. Nhưng đừng lo lắng, đây là một hiện tượng tạm thời và bạn sẽ nhanh chóng quay lại với giấc ngủ bình thường.

Tuy nhiên, việc thiếu ngủ kể cả trong ngắn hạn cũng có thể tạo nên một số ảnh hưởng nhất định lên cơ thể như:

Giảm khả năng tập trung

Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tập trung và suy nghĩ của bạn, khiến bạn dễ bị xao nhãng trong công việc, học tập và các hoạt động trí lực thường ngày.

Trí nhớ kém hơn

Khi ngủ không đủ giấc, việc ghi nhớ và tái hiện thông tin của bạn sẽ bị giảm hiệu quả khá rõ rệt. Theo đó, một đêm trằn trọc trên chiếc nệm mới có thể làm bạn quên đi tên của người vừa gặp, món bạn vừa ăn và cả những gì bạn đã làm chỉ cách đây một ngày.

Ảnh hưởng đến khả năng phối hợp

Thời gian phản ứng của tâm trí và cơ thể bạn sẽ trở nên chậm chạp hơn sau khi trải qua một đêm thiếu ngủ. Nghĩa là sự phối hợp giữa tinh thần và thể chất sẽ kém cỏi hơn, hậu quả làm bạn thấy thiếu tỉnh táo cũng như thiếu nhạy bén, linh hoạt hơn.

Một tác động rõ ràng nhất của FNE là cảm giác buồn ngủ suốt cả ngày. Thỉnh thoảng, mất ngủ chỉ diễn ra trong một đêm, nhưng đôi khi cũng có thể kéo dài suốt cả tuần.

Khắc phục tình trạng khó ngủ đêm đầu tiên

Dưới đây là một số mẹo giúp bạn thích nghi với chiếc nệm mới nhanh chóng hơn:

Ngủ đúng khung giờ

Tuân thủ khung giờ đi ngủ thường ngày giúp đánh lừa bộ não rằng không có gì khác biệt hay mới lạ. Từ đó, não của bạn sẽ tự động tiết ra melatonin đúng giờ và bạn sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Mang theo gối của bạn

Mang theo gối nằm của bạn
Mang theo gối nằm của bạn

Khi đi du lịch hoặc ngủ trên nệm mới, hãy dùng chiếc gối bạn thường nằm để giúp tạo cảm giác quen thuộc trong môi trường ngủ mới.

Thực hiện các bài tập thở

Một số bài tập thở trước khi đi ngủ có thể giúp làm dịu tâm trí và xoa dịu cảm giác bồn chồn, căng thẳng trong hoàn cảnh lạ. Tập trung vào hơi thở ra vào trong hai phút có thể giúp bạn ngừng suy nghĩ và thư giãn tinh thần, đưa bạn chìm vào giấc ngủ nhanh chóng.

Tránh uống đồ chứa caffeine

Caffeine làm tăng sự cảnh giác của bộ não và khiến bạn khó ngủ hơn. Tránh uống quá nhiều đồ uống chứa caffein trước khi đi ngủ, nhất là khi bạn đang không ngủ ở nhà, hay trên chiếc nệm thân quen.

Sử dụng dụng cụ hỗ trợ giấc ngủ

Để có một giấc ngủ tốt hơn trên chiếc nệm mới hoặc ở một nơi xa lạ, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của máy tạo tiếng ồn trắng di động, mặt nạ ngủ, nút tai chống tiếng ồn và trà hoa cúc để giúp làm dịu tâm trí trước khi đi ngủ. Đây là một trong những mẹo hữu ích giúp bạn dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

Dùng bộ ga trải giường quen thuộc

Dùng bộ ga trải giường quen thuộc
Dùng bộ ga trải giường quen thuộc

Khi chuyển sang một tấm nệm mới, bạn nên giữ nguyên ga trải giường trong ít nhất vài ngày đến một tuần. Điều này sẽ giảm cảm giác xa lạ và giúp cơ thể thích nghi nhanh hơn với sự thay đổi.

Ngoài ra, còn có các cách hữu ích khác giúp bạn nhanh chóng thích nghi với nệm mới và có giấc ngủ dễ chịu hơn. Xem chi tiết tại đây: 6 cách giúp bạn làm quen với chiếc nệm mới nhanh hơn

Kết luận

Trên đây là giải đáp của Tonybed cho hiện tượng trằn trọc, khó ngủ trong đêm đầu tiên trên chiếc nệm mới mua hay tại một nơi xa lạ. Hy vọng với các mẹo khắc phục, bạn sẽ dễ dàng thích nghi với sự thay đổi trong môi trường ngủ và tận hưởng giấc ngủ có giấc ngủ ngon và sâu hơn ở mọi nơi bạn đến.

Xem thêm: