Nội dung bài viết
ToggleTrong công cuộc bày trí cho phòng ngủ, nhiều người bỏ qua việc xác định chiều cao lý tưởng của giường ngủ. Ngoài việc lựa chọn độ dày tương thích cho nệm và tìm kiếm khung giường phù hợp, việc xem xét chiều cao của giường cũng là một yếu tố quyết định sự thoải mái trong giấc ngủ của bạn.
Theo đó, chiều cao của giường ảnh hưởng đến việc bạn có thể lên và xuống giường dễ dàng hay không. Ngoài ra còn liên quan chặt chẽ đến sự hài hòa với thiết kế và tổng thể nội thất phòng ngủ.
Bài viết này sẽ giúp bạn xác định chiều cao lý tưởng cho giường ngủ, phù hợp với sở thích và thiết kế phòng ngủ, cũng như mang lại sự tiện lợi khi lựa chọn đồ nội thất khác.
Chiều cao lý tưởng cho giường ngủ
Chiều cao giường ngủ lý tưởng thay đổi tùy theo từng gia đình và nhiều yếu tố khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào chiều cao của bạn. Chiều cao giường tiêu chuẩn thường nằm trong khoảng từ 60 cm đến 80 cm. Lưu ý, chiều cao này bao đã bao gồm cả chiều cao (độ dày) của nệm, được đo khoảng cách từ đầu nệm đến sàn.
Rất nhiều người thường bỏ qua việc tính cả chiều cao của tấm nệm, hậu quả là khi đặt nệm lên, giường ngủ trở nên quá cao hoặc quá thấp, gây nhiều bất tiện trong việc sinh hoạt hàng ngày.
Để xác định xem chiều cao giường hiện tại có phù hợp hay không, hãy ngồi lên giường và quan sát vị trí của chân và góc đầu gối của bạn:
Giường quá cao: Nếu chân bạn không chạm vào sàn, có thể giường của bạn quá cao đối với bạn.
Giường quá thấp: Nếu đầu gối của bạn không tạo thành một góc 90 độ với bàn chân đặt trên sàn, có thể giường của bạn đang quá thấp.
Ngoài ra, khi xem xét chiều cao của giường ngủ, bạn cũng nên cân nhắc đến các yếu tố và nhu cầu như sự thoải mái khi ngủ, đặc điểm cá nhân như tuổi tác và điều kiện sức khỏe.
Cách xác định chiều cao lý tưởng cho giường ngủ
Dưới đây là các yếu tố bạn nên cân nhắc để lựa chọn chiều cao hợp lý nhất cho giường ngủ, và đảm bảo sự thoải mái tối ưu.
Chiều cao
Khi quyết định chiều cao cho giường, bạn nên dựa trên chiều cao của chính mình. Nếu bạn là người có chiều cao trung bình và muốn tiện lợi hơn khi lên và xuống giường mỗi ngày, bạn nên chọn một chiếc giường tương đối thấp.
Ngược lại, nếu bạn khá cao, chọn một chiếc giường cao sẽ giúp bạn tránh tình trạng phải uốn cong mình khi đứng lên hoặc ngồi xuống giường.
Tuổi tác
Giai đoạn tuổi tác khác nhau cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định chiều cao giường thích hợp. Nếu bạn đang chọn giường cho trẻ nhỏ, hãy chọn giường thấp để trẻ dễ dàng lên xuống. Giường cao có thể tạo khó khăn cho hoạt động thường ngày của trẻ, cũng như gây nguy hiểm khi trẻ bị ngã khỏi giường.
Ngược lại, người lớn tuổi hoặc người có vấn đề về xương khớp nên nằm giường có chiều cao tương đối. Giường thấp khiến bạn phải gập người mỗi khi ngồi xuống và đứng lên – điều không hề dễ dàng với những người có khớp yếu – đặc biệt là khớp đầu gối và hông. Chưa kể, việc ra khỏi giường cũng cần có sức mạnh của cánh tay để đẩy người lên, cũng như kiểm soát hông, đầu gối và mắt cá chân để đảm bảo không bị ngã.
Độ cao (độ dày) của nệm
Đây là một yếu tố mang tính 2 chiều. Nghĩa là nếu bạn đã mua nệm trước, bạn nên dựa vào độ dày của nệm để chọn độ cao cho khung giường, hoặc ngược lại. Miễn sao chiều cao tổng thể của cả giường và nệm nằm trong mức hợp lý.
Hiện nay, các loại nệm thường có độ dày phổ biến từ 10cm đến 35cm. Ví dụ, nếu khung giường của bạn cao 35cm, bạn nên chọn nệm có độ dày khoảng 25cm để đạt được chiều cao giường tổng thể là 60cm. Một số loại nệm cao cấp như nệm lò xo túi hoặc nệm đa tầng thường có độ dày tối thiểu trên 25cm. Do đó, nếu thích các loại nệm này, bạn không nên chọn khung giường quá cao, dẫn đến độ cao giường mất cân đối.
Người ngủ cùng bạn
Đừng quên xem xét nhu cầu của người nằm cạnh bạn, bởi họ đang chia sẻ giường với bạn, và cả hai có thể có sự khác biệt về chiều cao hoặc có các vấn đề riêng về sức khỏe. Nếu một trong hai bạn gặp khó khăn trong việc lên xuống giường, hãy xem xét sử dụng ghế đẩu để hỗ trợ hoạt động dễ dàng hơn. Việc điều chỉnh chiều cao giường để phù hợp với cả hai người sẽ đảm bảo sự thoải mái trong giấc ngủ và sinh hoạt thường ngày.
Độ dày của các loại nệm
Độ dày của nệm ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao tổng thể của giường bao gồm cả khung. Do đó, việc biết các độ dày phổ biến của các loại nệm sẽ giúp bạn ước lượng được chiều cao giường ngủ như mong muốn.
Độ dày của các loại nệm thay đổi tùy thuộc vào nhà sản xuất. Dù vậy, dưới đây là các độ dày phổ biến và thông thường nhất của các loại nệm trên thị trường hiện nay:
Nệm ép
Độ dày phổ biến: Từ 6cm đến 25cm.
Nệm ép thường được làm từ gòn, hoặc cao cấp hơn là mousse, ép lại thành khối dưới sức ép của nhiệt độ cao. Nệm gòn ép có cấu trúc đơn giản nên thường chỉ dày từ 6cm – 10cm. Nệm mousse ép có thêm các lớp lót khác để tăng độ thoải mái nên có thể dày lên đến 25cm.
Nệm lò xo túi
Độ dày phổ biến: Từ 25cm đến 35 cm.
Với cấu trúc khung lò xo túi cùng các lớp lót bên trên, nệm lò xo túi thường có độ dày tối thiểu từ 25cm, các loại nệm cao cấp, đa lớp lót có thể dày đến 35cm.
Nệm lò xo liên kết
Độ dày phổ biến: Từ 25cm đến 30cm.
Độ dày của nệm lò xo liên kết phụ thuộc vào thiết kế các lớp lót và loại lò xo sử dụng. Thường thì, loại nệm này sẽ có một vài lớp nệm lót bên trên lò xo, nhưng thường không nhiều như nệm lò xo túi.
Nệm Memory Foam
Độ dày phổ biến: Từ 15cm đến 25cm.
Được làm từ chất liệu độc đáo, nệm Memory Foam có tính đàn hồi chậm và độ mềm êm lý tưởng. Nệm thường được tích hợp thêm các lớp lót từ foam để trung hòa độ mềm cứng và sẽ có độ dày thường thấy từ 15cm đến 25cm.
Nệm Foam
Độ dày phổ biến: Từ 10cm đến 25cm.
Nệm foam thường có cấu trúc chính từ vật liệu foam, ít thêm các lớp lót do foam đã có độ đàn hồi và êm ái nhất định. Vì vậy, nệm foam thường có độ dày trung bình từ 10cm đến 25cm.
Nệm đa tầng (Hybrid Mattress)
Độ dày phổ biến: Từ 28cm đến 35cm hoặc hơn.
Nệm đa tầng kết hợp nhiều loại vật liệu, bao gồm lò xo, Memory Foam, và các lớp nệm gòn. Do đó, chúng thường có độ dày lớn hơn để cung cấp sự thoải mái và hỗ trợ tốt.
Câu hỏi thường gặp về chiều cao giường
Giường cao hay thấp thì tốt hơn?
Mọi thứ đều tùy thuộc vào mỗi cá nhân sử dụng. Những người cao thường sẽ thích giường tương đối cao để di chuyển lên và xuống giường dễ dàng, trong khi những người thấp thường chọn giường có chân thấp hơn. Bên cạnh đó, chiều cao của giường cũng phụ thuộc vào các giai đoạn cuộc sống – người lớn tuổi, người gặp vấn đề về xương khớp có thể gặp khó khăn khi đứng dậy từ một chiếc giường quá thấp.
Cách tăng chiều cao cho giường
Nếu giường hiện tại đang quá thấp, bạn có thể tăng chiều cao giường bằng cách thêm lớp lót khác, ví dụ như một tấm ván ép giữa khung giường và nệm. Hoặc bạn có thể mua thêm topper nệm, thường dày trung bình từ 5cm – 10cm, một cách đơn giản để bổ sung thêm độ cao cho giường và tăng sự êm ái cho nệm.
80cm có quá cao cho một chiếc giường không?
Mọi độ cao đều được xem là phù hợp nếu bạn có vóc dáng và chiều cao tương thích. Tuy nhiên, nếu bạn hoặc người nằm cạnh tương đối thấp so với mức trung bình thì một chiếc giường 80cm sẽ gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Xem thêm: