Nội dung bài viết
ToggleDù đã sử dụng tấm bảo vệ nệm, thì sau một thời gian sử dụng, nệm của bạn vẫn có thể bị bám bẩn từ dầu cơ thể, mạt bụi và mồ hôi, cùng những chất bẩn khác từ trẻ nhỏ hay thú cưng. Điều này dẫn đến các vết bẩn và mùi khó chịu trên nệm, ảnh hưởng đến giấc ngủ và thời gian nghỉ ngơi quý giá của bạn. Nhiều người e ngại việc giặt nệm tại nhà vất vả và tốn nhiều thời gian. Đừng lo lắng! Mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn tìm đúng cách. Dưới đây là những giải pháp đơn giản để giúp bạn làm sạch nệm, bao gồm cả loại bỏ vết bẩn và khử mùi một cách hiệu quả.
Bao lâu nên giặt nệm một lần?
Hẳn bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm khi biết mình chỉ cần giặt sạch nệm ít nhất 6 tháng 1 lần, theo lời khuyên của các chuyên gia. Việc giữ vệ sinh nệm định kỳ sẽ giảm bớt lượng bụi bẩn và mảnh vụn tích tụ theo thời gian, góp phần kéo dài tuổi thọ cho nệm. Ngoài ra, bạn nên lật và xoay nệm thường xuyên hơn, ít nhất 3 tháng một lần. Điều này giúp tránh các vết lõm hình thành trên nệm dưới sức nặng của cơ thể khi ngủ cùng một chỗ từ đêm này qua đêm khác.
Lưu ý trước khi giặt nệm tại nhà
Trước khi tiến hành giặt nệm tại nhà, hãy kiểm tra kỹ hướng dẫn vệ sinh từ nhà sản xuất. Các loại nệm khác nhau yêu cầu các phương pháp làm sạch khác nhau, vì vậy việc nắm rõ hướng dẫn sẽ giúp bạn đảm bảo làm đúng và không vô tình gây hư hỏng nệm. Hãy chú ý đến những “điều nên và không nên” mà nhà sản xuất ghi chú trong hướng dẫn.
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra xem nệm của mình là loại hai mặt hay một mặt. Điều này sẽ xác định liệu bạn có thể làm sạch sâu cả hai mặt hay chỉ mặt trên của nệm.
Các bước giặt nệm tại nhà hiệu quả
Vật dụng cần chuẩn bị
Dưới đây là danh sách các vật dụng làm vệ sinh bạn cần chuẩn bị trước khi giặt nệm:
- Máy hút bụi
- Bột giặt tẩy rửa nhẹ hoặc nước rửa chén
- Baking Soda
- Một miếng vải hoặc bọt biển
- Nước lạnh và nước ấm
Bước 1. Giặt chăn ga gối
Trước khi giặt nệm, hãy tháo tất cả ga trải giường, vỏ gối, mền hoặc vỏ mền và ngâm trong nước nóng. Nếu có thể, hãy sấy khô ở nhiệt độ cao để tiêu diệt bất kỳ vi trùng và vi khuẩn nào có thể có trên ga trải giường của bạn. Sau đó mang đi giặt. Nếu muốn giặt cả ruột gối, hãy kiểm tra các hướng dẫn vệ sinh trước để xem liệu bạn có thể giặt gối bằng máy không. Để chắc chắn, bạn nên giặt tay để tránh ruột gối bị hư hỏng hay xẹp lún, mất hình dáng.
Đọc thêm: Mách bạn cách giặt 8 loại gối đúng cách, sạch thơm như mới
Bước 2. Phơi nệm
Sau khi đã tháo ga trải giường và các vật dụng liên quan, hãy mở cửa sổ để thông gió cho phòng ngủ đồng thời phơi nệm với không khí tự nhiên. Điều này cho phép nệm được “thở” và loại phần nào bỏ mùi hôi bám trên nệm trước khi tiến hành giặt nệm.
Bước 3. Hút bụi nệm
Bước tiếp của việc giặt nệm sau khi phơi là hút sạch các bụi bẩn trên nệm. Khi hút bụi, hãy di chuyển theo các chuyển động tròn nhỏ trên toàn bộ nệm để loại bỏ triệt để bụi bẩn, tóc và da chết. Hãy kiên nhẫn và tỉ mỉ ở bước này để đảm bảo bạn hút hết mọi bụi bẩn và có bề mặt nệm sạch sẽ cho các bước sau.
Nếu may mắn trên nệm của bạn không có bất kỳ vết bẩn nào, bạn có thể trực tiếp rắc một ít baking soda lên bề mặt nệm. Bước này giúp loại bỏ bất kỳ mùi hôi nào ngấm vào nệm. Baking soda có tính chất hấp thụ mùi tự nhiên, hỗ trợ khử mùi nệm vô cùng hiệu quả.
Bước 4. Làm sạch các vết bẩn trên nệm (nếu có)
Tẩy vết bẩn thông thường
Khi giặt nệm, cách tốt nhất để loại bỏ vết bẩn là xử lý ngay khi vừa xuất hiện, nhưng đôi khi điều này không phải lúc nào cũng khả thi.
Với các vết bẩn không quá cứng đầu hay có màu đậm, bạn có thể sử dụng phương pháp làm sạch sau:
- Pha bột giặt hoặc xà phòng rửa chén với nước ấm.
- Thoa chất tẩy rửa lên vết bẩn một cách nhẹ nhàng bằng vải hoặc miếng bọt biển để loại bỏ vết bẩn, không nên chà xát mạnh vì có thể làm vết bẩn ngấm sâu hơn. Một lưu ý quan trọng cần nhớ là bạn không nên sử dụng bất kỳ hóa chất mạnh nào hoặc khiến nệm quá ướt vì điều này có thể làm hỏng cấu trúc và chất lượng của nệm.
- Sau khi loại vết bẩn, để nệm khô hoàn toàn trong không khí trước khi chuyển sang các bước tiếp theo hoặc thay trải ga trải giường mới.
Loại bỏ vết mồ hôi từ nệm không cần phải khó khăn. Dưới đây là cách làm dễ dàng và hiệu quả
Tẩy vết bẩn từ mồ hôi
- Trộn bột giặt hoặc nước rửa chén với nước ấm để tạo thành hỗn hợp làm sạch.
- Thoa nhẹ hỗn hợp này lên vết bẩn bằng vải hoặc miếng bọt biển.
- Dùng vải hoặc bọt biển thấm đều vào vùng vết bẩn cho đến khi nó bắt đầu mờ dần.
Tiếp tục làm sạch vết bẩn cho đến khi nó hoàn toàn biến mất. Với cách làm này, bạn có thể dễ dàng loại bỏ các vết bẩn mồ hôi phổ biến trên nệm mà không cần sử dụng những hóa chất mạnh.
Tẩy vết bẩn nước tiểu trên nệm
- Trộn 1 cốc nước ô xy già 3%, 3 thìa canh Baking Soda và một vài giọt nước rửa chén dạng lỏng. Khuấy cho đến khi hỗn hợp trên hòa tan.
- Cho hỗn hợp vào bình xịt, sau đó xịt lên toàn bộ khu vực bị ố trên nệm, để dung dịch ngấm vào vết ố.
- Để dung dịch khô trong không khí ít nhất một tiếng. Nếu bạn muốn nệm khô nhanh hơn, hãy đặt quạt thổi gần nệm hoặc sử dụng máy sấy ở chế độ mát.
Tẩy vết máu trên nệm
Điều quan trọng nhất cần nhớ khi bạn loại bỏ vết máu trên nệm là luôn sử dụng nước lạnh. Nước lạnh giúp phá vỡ các protein trong máu nhanh hơn nước ấm và do đó dễ tẩy sạch hơn.
- Sử dụng ô xy già 3% pha với một ít nước.
- Cho hỗn hợp vào bình xịt và xịt lên vết máu, sau đó thấm bằng khăn sạch. Lặp lại việc xịt và thấm vết bẩn cho đến khi vết bẩn biến mất hoặc mờ đi nhất có thể.
- Để nệm khô tự nhiên hoặc sử dụng máy sấy để tăng tốc quá trình.
Đừng sử dụng quá nhiều nước khi giặt nệm cũng như tẩy vết máu trên nệm – đặc biệt là nệm Memory Foam để tránh làm hỏng cấu trúc và thành bên trong nệm. Hãy đảm bảo rằng vải, khăn tắm hoặc miếng bọt biển của bạn chỉ ẩm chứ không bị ướt sũng nước. Sau khi đã loại bỏ vết bẩn, hãy để nệm khô hoàn toàn trong không khí.
Tẩy vết nôn trên nệm
Xử lý nhanh chóng là chìa khóa để loại bỏ mùi hôi và vết bẩn từ bãi nôn mửa trên nệm, cụ thể:
Pha dung dịch nước và giấm trắng theo tỷ lệ 50/50 và cho vào bình xịt.
Xịt lên khu vực bị bẩn, sau đó thấm bằng khăn sạch. Tiếp tục xịt và thấm cho đến khi vết bẩn biến mất.
Rắc một ít baking soda lên khu vực vừa được làm sạch. Sau một tiếng, hút sạch Baking Soda và để nệm khô tự nhiên.
Bước 5. Khử mùi
Đây được xem là bước quan trọng sau khi giặt nệm, giúp trả lại bạn chiếc nệm sạch thơm như mới. Cách thực hiện khá đơn giản: sau các bước làm sạch bên trên, đợi nệm khô hoàn toàn, sau đó rắc một ít baking soda lên khắp bề mặt nệm. Baking soda có tính chất hấp thụ mùi tự nhiên và hỗ trợ khử mùi nệm vô cùng hiệu quả. Baking soda có thể phát huy công dụng tốt hơn nếu bạn để bột trên nệm ít nhất vài tiếng. Sau đó, hãy sử dụng máy hút bụi để hút sạch cặn baking soda.
Bước 6. Sử dụng tinh dầu
Dù không được xem là bước bắt buộc trong quy trình giặt nệm, đây vẫn là cách nhiều người ưa chuộng nhằm giữ cho nệm được thơm lâu hơn. Trộn một lượng nhỏ Baking Soda, nước và tinh dầu vào bình xịt và xịt lên khắp nệm. Bạn có thể sử dụng tinh dầu hoa cúc, hoa oải hương hoặc bất kỳ loại nào theo sở thích để tạo mùi hương thư giãn và giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ.
Nếu bạn không có bất kỳ loại tinh dầu nào, nước hoa xịt phòng cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự. Tuy nhiên, tránh để nệm quá ẩm trong khi xịt.
Bước 7. Lật nệm (nếu có)
Kiểm tra hướng dẫn từ nhà sản xuất để xem nệm của bạn là hai mặt hay một mặt. Nếu nệm của bạn có hai mặt, hãy lật nệm và lặp lại các bước trên để đảm bảo rằng cả hai mặt của nệm đều được làm sạch sâu. Nếu nệm của bạn chỉ sử dụng một mặt, bạn cũng cần hút bụi cả mặt dưới để loại bỏ bụi bẩn hoặc tóc.
Bước 8. Vệ sinh giường
Mỗi khi giặt nệm, bạn cũng nên vệ sinh cả khung giường. Lau chùi và hút bụi cho khung giường hoặc đi văng của bạn để loại bỏ tất cả bụi bẩn có thể bám trên đó. Chú ý đừng bỏ sót các khe hở nhỏ, các thanh và góc kẹt.
Mẹo giữ cho nệm sạch lâu hơn
- Giặt nệm ít nhất 6 tháng 1 lần. Nếu có thời gian, tốt nhất là giặt nệm mỗi 3 tháng 1 lần để duy trì nệm trong tình trạng sạch sẽ và thoải mái, đồng thời tránh những vết bẩn cứng đầu.
- Thay ga trải giường ít nhất mỗi tuần 1 lần để ngăn chặn sự tích tụ của da chết, mạt bụi và vi khuẩn trên bề mặt nệm.
- Đầu tư vào một tấm trải nệm để hạn chế vết bẩn và bảo vệ nệm khỏi độ ẩm, ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc.
- Sử dụng máy hút bụi có bộ lọc HEPA để vệ sinh nệm nhằm loại bỏ mạt bụi và sử dụng các dụng cụ để hút bụi ở những vùng chật hẹp, góc khuất.
- Xoay chiều hoặc lật nệm 3 tháng 1 lần để đảm bảo sự đồng đều và bền bỉ của nệm.
Kết luận
Hy vọng các phương pháp và mẹo trên đây sẽ hữu ích và hỗ trợ bạn tốt nhất trong việc giặt nệm tại nhà, cũng như giúp nệm luôn trong trạng sạch thơm. Mang đến giấc ngủ ngon và sức khỏe tốt hơn cho bạn và gia đình.